ĐẦU VÀO- THỨC ĂN VÀ ĐẦU RA- SẢN PHẨM CỦA ĐỘNG VẬT

Nhiều năm trước trong một đợt đi thực tập tại Viện INRA (Viện Nghiên cứu Quốc gia Nông học, Cộng hòa Pháp), một người bạn Pháp dẫn tôi đến thăm quan một xí nghiệp tư nhân sản xuất thức ăn gia súc cho dê bò để bán cho những người nuôi bò dê lấy sữa…Đợt đi này đã để lại ấn tượng không phai trong tôi: “… để cho ra loại sữa có hàm lượng protein, lipid, carbohydrate, khoáng vi đa lượng, vitamine theo yêu cầu ghi rõ trên bao bì của hộp sữa, thì khi phối chế  thức ăn cho bò dê, mỗi đợt nhập nguyên liệu họ đều lấy mẫu rồi đưa vào các máy phân tích tự động để xác định thành phần đạm, mỡ, đường, khoáng… trong từng đơn nguyên liệu, sau đó các số liệu được một hệ máy vi tính phân tích tổng hợp, từ đó tính ra tỷ lệ cần phối chế từng loại sản phẩm đơn nguyên liệu mới nhập vào bao nhiêu, tiếp đến cộng thêm các loại vitamin bổ sung…”. Nghĩa là đầu vào và đầu ra có quan hệ rõ rệt.

Tôi nghĩ đến nghề nuôi yến, cũng vậy…rõ ràng chất lượng tổ yến ở các vùng khác nhau có khác nhau, ngon hoặc kém ngon, lý do một phần lớn chính là đầu vào của thức ăn.
+ Vùng thức ăn ít, nhà yến quá nhiều, chim yến bay xa để kiếm thức ăn, mất nhiều năng lượng, sản phẩm đầu ra- tổ yến mỏng nhỏ, số tổ yến trong một 100 gam nhiều hơn, lúc nấu lên sợi yến nhảo. Trong tự nhiên cũng vậy, tổ yến thu hoạch vụ đầu ngon hơn tổ yến thu hoạch vụ cuối và một số vụ sau của năm, điều này đã có những công bố khoa học.
+ Chim Yến tìm được thức ăn chất lượng tốt, ngon như kiến cánh ( bộ Cánh màng-Hymenoptera) có nhiều trên thảm rừng, sẽ cho tổ tốt hơn là chim ăn các loại côn trùng bộ hai cánh ( Diptera). có nhiều ở vùng đô thị, hơn nữa cần chú ý chim con  thích ăn côn trùng có vỏ kitin mỏng. Chất lượng côn trùng rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng tổ.
+ Ngoài ra trong trường hợp chim bắt phải những loại côn trùng trên thảm ruộng lúa mới bị phun thuốc sâu…thì tổ yến có thể bị những thành phần không tốt nhiễm vào.
+ Gần đây trên mạng đang đề cập đến việc “nuôi ruồi lính đen cho yến ăn”. Theo tôi, để thành một khâu kỹ thuật an toàn cần có những khảo cứu về việc  này, ví dụ: cần phân tích thành phần hóa học của ruồi lính đen trưởng thành như ptotein, chất béo, thành phần khoáng…và các kim loại nặng như Asens (As), Thủy ngân (Hg), Chì (Pb) Cadmium  (Cd)…  có chứa trong ruồi  này và trong tổ yến đã được nuôi bằng ruồi lính đen này v.v…cần so với nhiều đối chứng khác. Qua một số tư liệu tôi thấy ấu trùng ruồi lính đen đang được sử dụng để phân hủy rác thải hữu cơ, đủ loại; sinh khối ấu trùng này khá lớn khi dùng nó để tái sử dụng các chất thải hữu cơ trong đời sống, hàm lượng protein bột ấu trùng có thể lên đên 43-51%, chất béo khá cao 15-18%, canxi 2,8-6,2%, phot pho 1-1,2%, loại  bột ấu trùng này đủ chất dinh dưỡng để làm thức ăn cho lợn gà,.. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm được tài liệu nào nói về thành phần hóa học của ruồi lính đen trưởng thành, nghĩa là con ruồi bay mà chim yến có thể bắt được, ngoài ra hàm lượng chất kitin của vỏ có cao quá không khi cho chim yến con ăn. Tuy các thông số nước ngoài đã đưa ra là bột ấu trùng ruồi lính đen rất tốt, nhưng chúng ta cần nhớ rằng bã rác thải của Việt Nam còn chứa vô số các thành phần xấu như các chất tẩy rửa và các chất bảo quản độc hại, chất màu công nghiệp…do con người chạy theo lợi nhuận đưa vào. Chính chúng ta hiện nay cũng rất ái ngại, khi dùng thực phẩm trong nước, vậy ấu trùng ruồi ăn các bã thực phẩm đó có bị nhiễm độc gì không? Và ruồi trưởng thành ra sao?

Về kích cở ruồi lính đen thì nhiều con ruồi này còn nhỏ hơn một số ong bắp cày, lọai ong mà đôi lúc chim yến cũng bắt nó. Cần chú ý rằng thời gian sống của ruồi ngắn, chỉ 3-5-7 ngày và ít khi bay lên cao, chất dinh dưỡng dự trữ trong ruồi trưởng thành chẳng có gì nhiều sau khi đã đẻ hết 500-800 trứng . Vậy cho nên nếu muốn áp dụng ruồi lính đen thành một khâu kỹ thuật chính thức làm đầu vào cho nuôi yến thì cũng nên có nghiên cứu kỹ hơn xem đầu ra thế nào- chất lượng tổ ra sao khi ăn loại ruồi này. Trong thực tiễn, việc nuôi ruồi dấm đã thành truyền thống, khá dễ, cở mồi vừa, chúng ta nên phát triển, hoặc có thể học thêm nhiều cách nuôi côn trùng khác để bổ sung thức ăn bay cho chim yến như nuôi kiến cánh chẳng hạn.
+ Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại là việc cổ xúy bán yến huyết là một sai lầm và thêm sai lầm khác là giá bán lại rất cao!! Tôi đánh giá khá xấu về những thông tin cổ xúy cho hướng thương mại này. Chúng ta hãy nghĩ xem máu đông vật ở trong cơ thể có màu đỏ tươi nhưng khi ra ngoài không khí sẽ có màu sẫm, bởi lúc này sắt trong máu bị oxy hóa, thành màu sẫm của oxit sắt. Vậy mà những người bán yến huyết vẫn bán những sản phẩm đỏ tươi, đó là màu của thuốc nhuộm đấy chứ!! Ngoài ra hiện nay còn có “kỹ thuật ủ tổ yến với hơi phân động vật”, tổ yến sẽ chuyển thành màu đỏ sau hơn 10 ngày ủ, lúc này tổ yến đã nhiễm nitrit và nitrat từ phân. Các xét nghiệm cho thấy hàm lượng nitrit trong các mẫu yến loại này rất cao, khi vào trong cơ thể nó sẽ chuyển thành nitrosamine đó là chất gây ung thư đã được nhiều nghiên cứu khẳng đinh. Vậy nên chúng ta chỉ nên ăn tổ yến trắng tuyệt đối không nên ăn tổ yến đỏ. Tôi nói điều này chắc sẽ làm nhiều nhà thương mại tổ yến không bằng lòng nhưng vì quyền lợi chung cũng nên cũng cần phải nói ra. Vậy ý của nội dung này là “đầu vào là ăn tổ yến đỏ kéo dài, đầu ra là có thể bị bệnh…”.   Nếu muốn chắc chắn, một nhà nghiên cứu nào đó hãy lấy tổ yến đỏ ở hang động cùng tổ yến trắng gần khu vực đó, để phân tích thành phần hóa học xem sao nhé.

Nguồn: cô Nguyễn Khoa Diệu Thu
Mới hơn
« Prev Post
Mới hơn
Mới hơn »