188 LÝ DO DẪN ĐẾN NHÀ NUÔI CHIM YẾN THẤT BẠI-PHẦN 1- CHƯƠNG 1- 1.4

1.4. Nghề nuôi Yến ở Việt Nam
1.4.1. Đặc thù nghề 
188-ly-do-dan-den-nha-nuoi-chim-yen-that-bai
188 lý do dẫn đến nhà nuôi chim yến thất bại

Trước đây,
 việc nuôi chim Yến chỉ diễn ra ở một số cá nhân nhỏ lẻ và chưa được coi là một nghề thực sự khi chỉ mới xuất hiện nhà Yến đầu tiên ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh vào năm 2003. Một số nhà chim Yến vào ở tự nhiên, con người phát hiện nên gắn thêm thanh cho chim bám làm tổ, từ đó bắt đầu có khái niệm nuôi Yến trong nhà mặc dù không cho ăn. Những mô hình nhỏ lẻ như vậy chính là những dấu son đầu tiên cho việc hình thành nghề nuôi chim Yến trên cả nước sau này. 
Có thể nói nghề nuôi chim Yến là một nghề đặc biệt bởi mục đích nuôi của nó. Chúng ta nuôi chim Yến không phải để làm cảnh, để bán giống, để lấy trứng, hay lấy thịt như nuôi các loài chim khác…mà là để lấy tổ. Tại sao lại là tổ của chim Yến mà không phải tổ của bất kì loài chim nào khác? Vì một lẽ, trong khi hầu hết các loài chim khác đều đan tổ ấm của mình bằng rơm, rạ thì chim Yến lại làm tổ bằng chính nước dãi của mình. Khoa học đã chứng minh được thành phần trong nước dãi của chim Yến là vô cùng quý giá và tốt cho sức khỏe con người, bao gồm 18 loại acid amin, trong đó có một số loại mà cơ thể người không tự tổng hợp được và nhiều khoáng chất như Fe, Cu, Mg,…Chính vì lý do này mà danh sách các nghề chăn nuôi có thêm một nghề mới mang lại giá trị cao, đó là nghề nuôi chim Yến.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa nghề nuôi chim Yến với các nghề chăn nuôi theo phương thức truyền thống khác đó là: “nuôi mà không nuôi”, vì người nuôi không hề phải mua con giống, không hề phải chuẩn bị thức ăn hàng ngày và hiếm khi phải lo dịch bệnh. Tất cả những gì một người chủ nuôi chim Yến phải làm đó là xây dựng nhà Yến và áp dụng kỹ thuật để thu hút chim Yến về tham quan và ở lại sinh sôi với các tiêu chuẩn:
ü Mưa không ồn
ü Nắng không nóng
ü Thoáng không khí
ü Không lọt sáng
ü Ngăn phòng hợp lí
ü Tạo đường bay độc lập
Đáp ứng được những yếu tố trên là nhà Yến đã thành công một nửa. Phần còn lại phụ thuộc vào hệ thống âm thanh dẫn dụ chim Yến và các yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng như: độ ẩm, nhiệt độ, nguyên liệu thanh gỗ làm tổ, tạo mùi hấp dẫn đặc trưng, mức độ chăm sóc nhà Yến,..vv.
1.4.2. Thực trạng nghề nuôi Yến ở nước ta hiện nay
Tính đến năm 2015, trên cả nước có khoảng 39 trên 63 tỉnh thành có nhà nuôi chim Yến, tập trung nhiều ở các tỉnh từ ven biển miền Trung, Tây Nguyên đến Nam bộ như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đăk Lăk , Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,…v.v. Một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ cũng đã xuất hiện nhà Yến thành công mặc dù thời thiết mùa lạnh khá khắc nghiệt như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Nghệ An, Nam Định, Hải Phòng. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh có thể coi là trung tâm nuôi chim Yến lớn nhất cả nước, kế tiếp là Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu và một số tỉnh miền Trung có số lượng nhà và sản lượng tổ Yến nhiều. 
So với Indonesia có lịch sử gần 100 năm nuôi Yến, từ năm 1950 đến nay có hơn 200.000 nhà Yến cho sản lượng 2.175 tấn/năm; Malaysia gần 40 năm, từ năm 1986 đến nay có hơn 70.000 nhà Yến cho sản lượng 200 tấn/năm và Thái Lan 30 năm, từ 1996 đến nay có gần 7.000 nhà Yến cho sản lượng 70 tấn/năm, thì nghề nuôi chim Yến ở VN mới chỉ phát triển khoảng 13 năm. Tính đến 2016, Việt Nam đã có gần 7.000 nhà Yến với cả triệu m2 diện tích sàn nuôi, ước tổng đàn chim Yến là gần 6 triệu con và sản lượng đang khai thác trong năm 2016 gần 50 tấn tổ Yến.
Ngành nuôi chim Yến ở VN là ngành công nghiệp không khói mới nên gần như chưa được các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nhà nước quan tâm, nhưng đã tự hình thành phát triển.
Trái với việc tụt dốc của ngành Yến ở các nước như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia do thiên tai, tốc độ đô thị hóa nhanh, mọc lên các khu resort,,...vv đã xóa sổ nguồn thức ăn phong phú của chim Yến, thì ở Việt Nam, nghề nuôi Yến vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Theo nhiều nguồn thống kê cho thấy, hiện tổ Yến Việt Nam cung chưa đủ cầu tiêu dùng trong nước. Mỗi năm các thương lái Việt Nam đã đưa Yến Malaysia, Thái Lan và Campuchia về gần 15 tấn (số liệu hải quan khoảng trên 10 tấn, còn lại là nhập không kiểm soát). Đổi lại, tổ Yến Việt Nam cũng đã được các nhà kinh doanh đưa bán tại nhiều thị trường như Bắc Mỹ, EU, Úc, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và Trung Quốc… dưới dạng nguyên tổ làm sạch giao cho thương nhân mang về nước, ước tính khoảng gần 2 tấn/năm. Con số này cho thấy nguồn tiêu thụ cho trong nước là vô cùng lớn.
1.4.3. Tiềm năng phát triển nghề nuôi Yến ở Việt Nam
Ngoài yếu tố tích cực là sức tiêu thụ tổ Yến Việt mạnh mẽ ra thì điều kiện thiên nhiên là yếu tố quan trọng tạo môi trường vô cùng thuận lợi cho nghề Yến tại Việt Nam phát triển, khó quốc gia nào có thể có được. Do nước ta có đường bờ biển kéo dài dọc đất nước, lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiều rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đồng lúa nước, các cây trồng nhiệt đới và cả dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi có rất nhiều rừng cây bụi có sức sản sinh môi trường tự nhiên vô cùng phong phú, dồi dào về chủng loại côn trùng nên dự đoán trong vòng khoảng 30 - 50 năm tới tình trạng phát triển nghề nuôi Yến vẫn còn giữ nguyên, nguồn côn trùng làm mồi ăn vẫn đủ thỏa mãn cho tổng đàn chim nuôi vài chục triệu đến trăm triệu con. Ngành nuôi chim Yến của Việt Nam có thể tiến xa hơn nhiều so với các nước ASEAN như Thái Lan và Malaysia nếu được quan tâm, hỗ trợ và đầu tư đúng đắn.
Nhiều nhà chuyên môn cũng nhận định trong 10 năm tới tại Việt Nam, sản lượng tổ Yến đảo có tăng nhưng rất ít thậm chí có đảo bị sụt giảm. Tỷ lệ tăng chỉ ở mức 5 - 8%/năm, do các vùng ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Thuận đã, đang nhộn nhịp hình thành các khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn cao cấp , các vùng ven biển trước đây sản sinh côn trùng cho chim Yến nay bị đẩy lùi ra xa. Ước tính có 50 - 60% chim Yến tơ mới rời tổ từ đảo đi săn mồi sẽ không trở về đảo mà có thể sẽ vào những nhà Yến trong đất liền trú ở.
Theo tính toán của các nhà điểu học, tỷ lệ tăng dân số cơ học của tổng đàn chim Yến Việt Nam là 10,4%/năm, đến năm 2020 tổng đàn chim Yến Việt Nam sẽ là gần 10 triệu con và sản lượng tổ Yến trên 7 tấn; đến năm 2025 số lượng chim Yến có thể tăng lên trên 15 triệu con và sản lượng tổ trên 120 tấn; đến năm 2030 sẽ trên 25 triệu con và sản lượng tổ trên 200 tấn và đến năm 2035 sẽ trên 40 triệu con và sản lượng tổ sẽ trên 300 tấn.
Sau năm 2030, sản lượng tổ Yến nuôi VN đạt 200 tấn/ năm sẽ có khoảng 150 tấn tổ Yến xuất khẩu trị giá khoảng 300 triệu đô Mỹ/năm và đến năm 2035, sản lượng tổ Yến nuôi là 327 tấn, trong đó sẽ có 250 tấn xuất khẩu trị giá khoảng 450 triệu USD và sau năm 2050 việc xuất khẩu đạt 1 tỷ USD tổ Yến VN là có thể.
Nghề nuôi chim Yến ở Việt Nam hiện nay được các nhà hoạch định kinh tế nhận định là ngành công nghiệp xanh, sạch, không khói... sử dụng một diện tích đất rất khiêm tốn, dùng rất ít công nhân, ít tốn kém điện năng, tạo ra nguồn thực phẩm dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe có giá trị xuất khẩu ngoại tệ lớn, với số vốn đầu tư không quá cao khoảng 1- 2 tỷ đồng/ căn. 

Mới hơn
« Prev Post
Mới hơn
Mới hơn »