188 LÝ DO DẪN ĐẾN NHÀ NUÔI CHIM YẾN THẤT BẠI-PHẦN 1- CHƯƠNG 3

188-ly-do-dan-den-nha-nuoi-chim-yen-that-bai
188 LÝ DO DẪN ĐẾN NHÀ NUÔI CHIM YẾN THẤT BẠI

CHƯƠNG III: HỎI & ĐÁP VỀ NGHỀ YẾN

Trong suốt những năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà Yến, Tầm Cao Việt đã nhận được rất nhiều các câu hỏi của khách hàng xin tư vấn về các phương thức xây dựng, cách sửa chữa, cải tạo nhà Yến cũng như cách khắc phục các sự cố trong quá trình vận hành nhà Yến. Chúng tôi xin tổng hợp lại trong chương này kèm theo các giải đáp nhằm giúp các bạn có câu trả lời cụ thể cũng như bổ sung thêm kinh nghiệm cho các chủ đầu tư trong quá trình đầu tư vào nghề nuôi Yến. Mong rằng đây cũng sẽ là những kiến thức có ích cho những người đang có ý định bước chân vào nghề nuôi chim Yến.

Câu hỏi đặt biệt: Có nên xây nhà yến tiền chế với sàn giả?

Để không hối hận về sau thì nên xây nhà kiên cố bê tông cốt thép với độ an toàn, độ bền như nhà dành cho con người. Nhà tiền chế khung sắt và sàn giả sẽ nhanh xuống cấp sau 1 thời gian hoạt động, muốn cải tạo nâng cấp là điều bất khả thi. Đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhẹ thì chấn thương đầu-tay-chân, nặng thì liệt giường, hơn nữa là cả tính mạng.
Nhà yến là công trình đời người – công trình trăm năm để đời cho con cháu về sau thì nên đầu tư làm sao cho hậu thế an tâm khai thác an toàn.
- Sàn nhà yến không nên làm sản giả dùng tấm Cemboard, Prima,…mà nên đổ bê tông kiên cố với mác chuẩn. Bê tông mác thấp sẽ bị ngậm nước 5-10 năm sau sẽ mục sàn và xuống cấp sẽ rất nguy hại để phát triển đàn yến cũng an toàn cho con người.
- Sẽ ra sao khi nhà yến đang hoạt động dẫn đoàn 5-10 người tham quan mà không thể cùng vô tham quan được???

Câu hỏi 1: Cần chuẩn bị gì trước khi đầu tư?

Chi phí để đầu tư một căn nhà nuôi Yến không hề nhỏ, nhưng hiệu quả nó mang lại đến đâu cũng tùy thuộc rất nhiều vào những gì mà bạn chuẩn bị trước khi đầu tư. Trước hết bạn cần phải tìm hiểu các công việc cần làm trước khi bắt tay vào xây dựng một căn nhà Yến cho mình như sau:

1/ Khảo sát.
Việc đầu tiên trước khi bạn quyết định đầu tư xây nhà nuôi Yến là khảo sát lượng Yến trong khu vực bạn dự định xây nhà Yến để có đánh giá về lượng Yến trong khu vực. Công việc này bạn hoàn toàn có thể tự làm được và rất đơn giản, chỉ cần 1 amply, 1 loa và file âm thanh gọi Yến.
Tuy nhiên, phương án tốt nhất là các chủ đầu tư nên nhờ đến các nhà tư vấn, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đến khảo sát và đánh giá. Chi phí khảo sát không quá cao nhưng đây là cách các chủ đầu tư có thể lường trước được rủi ro.
2/ Ước lượng số vốn đầu tư
Đây cũng là một khâu chuẩn bị rất quan trọng trong đầu tư. Bạn cần phải xác định số tiền bạn sẽ đầu tư vào nhà Yến là bao nhiêu để giảm thiểu tối đa những khoản phát sinh làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của bạn. Và số tiền đó chắc chắn bạn đã có trong tay để tránh phải vay mượn làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư cũng như tiến độ công trình. Bạn có thể tham khảo chi phí xây dựng nhà nuôi Yến qua một vài đơn vị thi công trước khi quyết định lựa chọn.
   - Chi phí theo Tầm Cao Việt thì tối thiểu cho nhà 1 trệt 1 lầu vào khoảng 600-700 triệu đồng. Chi phí phổ biến trước đây đầu tư thường rơi vào khoảng 1-2 tỷ đồng (nhà 5x20x3, 5x25x3, 6x20x3, 6x25x3). Chi phí lên năm ba tỷ thì diện tích cũng lớn hơn nhiều lần.
3/ Thuê chuyên gia tư vấn, thiết kế nhà nuôi Yến
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm về nuôi Yến, chúng tôi khuyên bạn nên tìm chọn và thuê những chuyên gia tư vấn giúp bạn các kỹ thuật nuôi Yến, các thiết bị nhà Yến cũng như tư vấn chi phí đầu tư nhà Yến.
Hiện tại trên thị trường có rất nhiều công ty chuyên tư vấn thiết kế - xây dựng và chuyển giao công nghệ nhà nuôi Yến, nên các chủ đầu tư cần lựa chọn sáng suốt.
 4/ Lựa chọn phương án thi công.
ü Phương án tự làm: Với phương án này thì chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả đầu tư sau này hoàn toàn phụ thuộc vào hiểu biết, và nắm bắt những kỹ thuật mà bạn được tư vấn, tỉ lệ rủi ro cao.
ü Phương án làm phần thô và thuê công ty nhà Yến đến lắp đặt thiết bị nuôi Yến: sau khi bạn được các chuyên gia tư vấn về thiết kế, kỹ thuật xây dựng nhà Yến thì bạn sẽ tìm đơn vị thi công phần xây dựng thô theo bản vẽ của công ty tư vấn (nếu bạn ký hợp đồng lắp đặt thiết bị và chuyển giao công nghệ của cty tư vấn này thì thường họ sẽ hỗ trợ bản thiết kế xây dựng cho bạn). Sau khi xong phần thô công ty sẽ đến lắp đặt thiết bị và chuyển giao công nghệ cho bạn.
ü Phương án bao trọn gói: Phương án này tuy chi phí cao hơn nhưng giúp các chủ nhà Yến quản lý việc thi công một cách nhẹ nhàng nhất cũng như yên tâm vào kỹ thuật, công nghệ của đơn vị thi công xây dựng nhà Yến đã chọn.
5/ Chuẩn bị về tâm lý đầu tư.
Nghe có vẻ không liên quan lắm, nhưng đây cũng là một điều bạn cần phải chuẩn bị thật tốt khi quyết định đầu tư. Tâm lý bạn phải vững, phải kiên nhẫn chờ đợi, bạn phải xác định đầu tư nhà nuôi Yến là một kênh đầu tư lâu dài và luôn có rủi ro. Đã không ít nhà đầu tư thất bại, hoặc nhà Yến không hiệu quả do nóng vội, thiếu kiên nhẫn.
Một điều cũng rất quan trọng trong nuôi Yến đó là bạn cần phải tham khảo kĩ với nhà tư vấn trước khi thay đổi thiết bị hay sửa chữa, cơi nới, mở rộng hoặc bất cứ công việc gì liên quan đến nhà Yến của bạn.
Có nhiều nhà đầu tư chưa hiểu tập tính chim yến lại thêm nóng vội nên gây áp lực lên kỹ thuật, gây mâu thuẫn với kỹ thuật trong cách chăm sóc vận hành nhà yến, có nhiều trường hợp muốn tư vấn ngược lại đội ngũ kỹ thuật. Hoặc nhờ kỹ thuật của đơn vị khác vào tham gia khi chưa hết hợp đồng bảo hành bảo đảm. Đây là điều tối kỵ trong nghề yến.

Câu hỏi 2: Các tỉnh thành nào có thể nuôi chim Yến được?

Theo khảo sát của Tầm Cao Việt và Yến Sào Thuần Việt, hiện các tỉnh thành đang phát triển nghề nuôi Yến như sau: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Kiên Giang. Đơn vị chúng tôi đã từng thi công và chuyển giao kỹ thuật nhà nuôi yến tại các tỉnh thành này, kết quả rất khả thi.
Tuy nhiên không phải mọi địa điểm tại các Tỉnh nêu trên đều có thể nuôi chim Yến. Thường mỗi tỉnh có một vài điểm trong bán kính 5km có thể nuôi tốt. Thêm một điểm cần lưu ý là các tỉnh từ đèo Hải Vân trở ra Bắc, chim Yến thường chết hàng loạt do ko chịu được thời tiết lạnh kéo dài khi nhiệt độ xuống dưới 16 độ C. Vì vậy để nuôi Yến ở các khu vực này thì các chủ đầu tư cần nghiên cứu kĩ lưỡng và thận trọng trong việc chọn phương án cũng như đội kỹ thuật xây dựng.

Câu hỏi 3: Vùng nào được coi là tập trung nhiều Yến sinh sống nhất Việt Nam?

Có hai loại chim Yến:
1. Yến hàng (Fucifagus): Sống tại các đảo đá dọc bờ biển miền Trung Việt Nam như Nha Trang, Bình Định, Hội An. Ngoài ra người ta còn phát hiện Yến hàng ở Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc và Hòn Khoai.
2. Yến nuôi trong nhà (Esculanta ): Sống trong nhà tại các tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Đăk Lăk, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Long Xuyên, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang,…v.v. Ngoài ra còn một số tỉnh thành khác được cho là cũng có chim Yến nhưng cần có khảo sát thực tế để có được thông tin chính xác.

Câu hỏi 4. Yến Hàng (hay còn gọi là Yến đảo) có về sống ở nhà không?

Theo những xét nghiệm ADN gần đây nhất, đã có trường hợp Yến đảo về nhà tuy nhiên rất chậm và số lượng ít. Nhiều nhà Yến tại khu vực miền Trung đã thất bại trong việc dẫn dụ Yến đảo về nhà.

Câu hỏi 5. Tôi nghe nói có thể xây dựng nhà rồi mua chim con về nuôi, điều này có thật không?

Điều này là hoàn toàn không đúng. Chưa có một công trình khoa học nào trên thế giới được công nhận việc mua giống chim Yến về nuôi. Hiện nay nghề nuôi Yến Việt Nam vẫn đang dùng hoàn toàn phương pháp dẫn dụ. Việc ấp nở trứng chim Yến đã thành công nhưng việc nuôi Yến non trở thành đàn Yến trong nhà thì chưa thành công. Do đó, phương pháp dẫn dụ vẫn là phương pháp duy nhất mang lại thành công cho nghề nuôi Yến hiện nay.
Câu hỏi 6: Nuôi Yến có lợi gì cho môi trường?

Nuôi Yến là một phương pháp tự nhiên để tạo ra sự cân bằng sinh thái, bảo vệ mùa màng. Dịch rày nâu có thể khiến Việt Nam không thể xuất khẩu gạo được trong năm 2007. Tâm dịch chủ yếu tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Một con chim Yến có thể ăn hàng ngàn con rầy mỗi ngày ( rầy chiếm 50% lượng thức ăn của chúng). Ngoài ra Yến còn ăn nhiều loại côn trùng có hại cho cây trồng khác: nhện, kiến cánh, rầy xanh,…v.v.

Câu hỏi 7: Chủ đầu tư cần phải có kiến thức và kỹ thuật như thế nào để nuôi Yến, và họ cần trang bị kiến thức đó trong bao lâu trước khi thực sự bắt tay vào nghề nuôi Yến?

Có rất nhiều kiến thức mà một chủ nhà Yến cần phải biết để vận hành và chăm sóc nhà Yến một cách tốt nhất. Quá trình tích lũy này đòi hỏi sự đầu tư tấm huyết về thời gian không phải một sớm một chiều mà có được. Tuy nhiên một nhà đầu tư ban đầu cần phải tìm hiểu các kiến thức cơ bản như sau:
ü Đặc tính sinh học của Yến (thức ăn, mùa sinh sản, mùa giao phối, điều kiện sống, độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, thời gian kiếm ăn,..v.v.)
ü Nguyên liệu làm thanh làm tổ ( gỗ, đá, bê tông, nhựa,..v.v)
ü Thiết kế nhà Yến (diện tích, các lối đi, sân thượng, cầu thang, tường vách, cửa ra vào, không gian bay lượn,…)
ü Hệ thống ánh sáng trong nhà Yến
ü Hệ thống âm thanh: USB tiếng chim, loa, amlpy,..
ü Các loại hóa chất tạo mùi bầy đàn
ü Hệ thống tạo ẩm, phun sương.
ü Cách vận hành nhà Yến cơ bản.

Chủ nhà Yến cần phải tìm hiểu nghề từ chuyên gia thật sự có kinh nghiệm, nên đến tham quan mô hình trực tiếp của họ xây dựng lên và hấp dẫn được chim (Không phải mô hình có chim bay vào một cách tự nhiên) để tận mắt thấy được thực tế chứ không nên chỉ nghe tư vấn suông.
Học nuôi Yến không cần nhiều hơn 3 ngày, nhưng kinh nghiệm sẽ tích lũy theo thời gian trải nghiệm thực tế. Nếu không chắc chắn và không muốn rủi ro thì bước đầu các chủ đầu tư nên nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia uy tín.

Câu hỏi 8: Nên thuê chuyên gia nước ngoài hay trong nước?

Chuyên gia nước ngoài thường có những thiết bị và trải nghiệm tuy nhiên khó nắm bắt và am hiểu điều kiện tự nhiên trong nước, cần nhiều thời gian để nghiên cứu và khảo sát thực tế.
Chuyên gia trong nước thường hiểu rõ các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu cũng như các kinh nghiệm thực tiễn trong nước. Ngoài ra chi phí cũng là điều cần phải cân nhắc, thuê chuyên gia trong nước thường rẻ hơn rất nhiều so với thuê chuyên gia nước ngoài.

Câu hỏi 9: Chi phí xây dựng một ngôi nhà Yến là bao nhiêu?

Chi phí xây dựng nhà Yến gồm 3 khoản chính:
1. Đất đai: Tùy thuộc vào giá đất từng vùng.
2. Xây nhà thô: Dao động theo giá xây dựng từng vùng. Nhưng nói chung dao động từ 2,5tr – 2,7tr/m2 mặt sàn. Nhà Yến không cần sơn, trang trí hay các chi tiết phức tạp như nhà ở.
3. Chi phí tư vấn, thiết bị, lắp đặt và bảo hành trọn gói: Khoảng 1.000.000 đ – 1.600.000đ/ m2 tùy theo diện tích, tùy vùng miền cũng như chất lượng kĩ thuật mà giá có sự chênh lệch nhau rõ rêt.
Chủ đầu tư nên cẩn thận với những công ty xây dựng bỏ giá thầu quá rẻ. Gần đây có nhiều nhà nuôi Yến ở Cần Giờ và các tỉnh phía Nam đã bị nứt gãy và nghiêng vì nhà thầu rút ruột công trình để cắt giảm giá đấu thầu. Ngoài ra có một số nhà tư vấn đưa ra giá lắp đặt thiết bị thấp bằng cách cắt giảm chất lượng vật tư và lắp thiết bị thưa hơn so với yêu cầu tiêu chuẩn, dẫn đến việc nhà yến dễ bị hư hỏng khi mới vào hoạt động.

Câu hỏi 10: Đầu tư nhà Yến nên chọn loại thanh làm tổ nào?

Thanh làm tổ vật tư chiếm tới 50 % giá trị công trình. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Hiện nay trên thị trường có các loại thanh làm tổ sau là chủ yếu:

Đối với gỗ: đây là loại vật liệu mà chim Yến ưa thích nhất, do chim Yến có thể bám rất thuận lợi trên bề mặt thanh gỗ, gỗ thường hút nước tốt nên chim làm tổ nhanh hơn và có hình dạng tổ đẹp hơn bê tông và gỗ nhựa. Tuy nhiên, các chủ nhà Yến cần lưu ý: không phải Gỗ nào cũng làm được, gỗ phải được xử lý đúng quy trình dành cho gỗ nuôi Yến. Gỗ phải đảm bảo không mối mọt, không độc hại, độ ẩm tối thiểu để hạn chế nấm mốc và có tuổi thọ trên 20 năm. Do đó, cùng một loại Gỗ, nếu để xử lý cho nuôi Yến thì giá thành sẽ đắt hơn từ 50 - 70% giá thành gỗ sử dụng thông thường. Hiện nay có hai loại gỗ được các chủ nhà Yến thường dùng cho nhà Yến đó là gỗ Bạch Tùng và gỗ Meranti, đây là hai loại gỗ chim Yến khá ưa thích và thường mang lại hiệu quả nhất, chỉ có một vấn đề đáng lưu ý đó là giá cả. Gỗ Meranti là gỗ nhập khẩu từ Malaysia, do đó thường phải chịu thuế nhập khẩu và phí hải quan nên mức giá thường cao. Trong khi đó Bạch Tùng là loại gỗ nội địa, được phân bố nhiều ở vùng núi phía Bắc và vùng cao Tây Nguyên, không phải chịu thuế xuất khẩu nên giá thành rẻ hơn so với Meranti, đồng thời cũng dễ dàng chủ động nguồn gỗ hơn. Tuy nhiên, tình trạng gỗ Bạch tùng đang cạn kiệt và nhiều cánh rừng bị đóng cửa không cho khai thác. Vì thế gỗ Bạch Tùng sẽ khan hiếm và tăng giá liên tục là điều không tránh khỏi. Nên chăng tìm nguồn gỗ hay thanh làm tổ khác phù hợp choc him yến bám làm tổ???

Đối với bê tông: Bê tông có tuổi thọ khá lâu, tuy nhiên khi sử dụng loại vật liệu này, chi phí xây dựng nhà sẽ đội lên do phải thiết kế kết cấu nhà có độ chịu tải cao hơn vì bê tông khá nặng. Bên cạnh đó, tổ Yến từ bê tông có giá bán thấp hơn vì tổ thường dính theo tạp chất từ bê tông, khó chế biến và phải cắt bỏ phần chân tổ. Người dùng thường không yên tâm vì lo ngại các tạp chất tồn dư trong bê tông sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đối với thanh làm tổ bằng gỗ pha nhựa: đây là loại vật liệu không bị mối mọt và nấm mốc. Tuy nhiên, chim Yến làm tổ trên loại chất liệu này thì thường bị rơi tổ vì độ bám thấp và hay bị cong vênh do ảnh hưởng thời tiết.

Câu hỏi 11: Những lưu ý về an toàn trong nghề?

Đây là vấn đề cấp thiết và luôn được chú trọng trong bất cứ công trình nào. Nghề nuôi Yến liên quan đến việc leo trèo, những hoạt động ở trên cao và trong bóng đêm, vì vậy trong quá trình ra vào nhà Yến để tránh những chuyện “sinh nghề tử nghiệp” thì người nuôi Yến cần chú ý các vấn đề sau:
- Luôn mang theo đèn pin để rọi vì ánh sáng trong nhà Yến rất thấp, không đủ để mắt người nhìn thấy các vật.
- Luôn mang theo 1 cây gậy để đề phòng trơn trượt do độ ẩm trong nhà Yến khá cao (75-90%) hoặc có thể gặp rắn, rết, các loài thiên địch của chim Yến bất kì lúc nào trong nhà Yến.
- Không mang theo đồ đạc lích kích không cần thiết khi vào nhà Yến.
- Luôn kiểm tra các thiết bị trong nhà Yến trước khi thao tác công việc, đặc biệt là hệ thống điện, tránh trường hợp điện rò rỉ gây ra các sự cố đáng tiếc.
- Phải có dàn giáo và thiết bị khai thác chuyên dụng khi khai thác tổ.
- Tránh vào nhà yến 01 mình


Câu hỏi 12: Bao lâu thì nên thu hoạch tổ một lần?

Thời gian thu hoạch tổ Yến tùy vào mùa và số lượng chim trong mỗi nhà.
Kinh nghiệm từ những người lâu năm trong nghề là thường khai thác tỉa. Tức là khai thác ngay khi chim non đã bay khỏi tổ vì khi này việc xâm nhập vào nhà Yến không làm ảnh hưởng đến chim, tận dụng được tối đa cơ hội xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng số lượng và chất lượng tổ. Phương pháp này đòi hỏi các chủ nhà phải tới nhà nuôi rất thường xuyên. Một số nhà nuôi Yến thành công thường khai thác tổ sau mỗi 15 ngày – 30 ngày.

Câu hỏi 13: Yến đã vào ở một nhà, mùa sau chúng có chuyển sang căn nhà khác không?

Chỉ có chim non mới tập bay mới chuyển sang nhà khác ở nếu chúng thấy có điều kiện thuận lợi hơn. Một khi chim đã làm tổ trong căn nhà, chúng sẽ không đi trừ khi chim nhận thấy môi trường sống bị đe dọa thường xuyên hoặc do các điều kiện bất khả kháng xảy ra như: động đất, cháy, sập nhà,..v.v.

Câu hỏi 14: Chim Yến làm tổ mấy lần mỗi năm?

Chim yến làm tổ quanh năm nhung cao điểm chim thường làm tổ khi mùa mưa bắt đầu vì đây là thời điểm có nhiều côn trùng làm thức ăn nhất. Một năm, chim sinh sản từ 2 đến 3 lứa.

Câu hỏi 15: Một nhà Yến thường rộng bao nhiêu?

Từ 80 – 2000 m2. Có thể lớn hơn nhưng nên chú ý đến yếu tố hiệu quả kinh tế. Không nên làm nhà Yến nhỏ hơn do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Câu hỏi 16: Có nên làm thử vài chục mét vuông xem có kết quả hay không rồi mới tiếp tục?

Chúng tôi không khuyến khích làm thử bởi nuôi Yến là quá trình đầu tư lâu dài và đòi hỏi người đầu tư phải có kiến thức cũng như nghiêm túc, kiên trì. Vốn đầu tư một căn nhà Yến không phải quá lớn nhưng cũng không nhỏ để chúng ta bỏ ra với mục đích thử nghiệm. Đã đầu tư là nghiêm túc và kiên trì tới cùng. Những công trình thử nghiệm như vậy thường không đem lại kết quả, rất dễ làm nản lòng nhà đầu tư.

Câu hỏi 17: Tôi muốn tìm hiểu nghề nuôi Yến thì có thể tư vấn ở đâu?

Hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều công ty xây dựng nhà nuôi Yến, nhưng chúng tôi khuyên bạn nên chọn những công ty đã có thương hiệu, đã thành công trong những dự án thực tế. Nên có hiểu biết nhất định về nghề yến và tham khảo nhiều nơi trước khi đưa ra quyết định nuôi yến.

Câu hỏi 18: Chọn thiết bị nuôi Yến như thế nào là tốt nhất?

Làm sao để biết là loại thiết bị nuôi Yến nào tốt? Mình nên chọn loại nào là phù hợp là câu hỏi không hề đơn giản đối với những người mới bước chân vào nghề nuôi Yến. Hơn nữa thị trường thiết bị hiện nay rất đa dạng, phong phú về chủng loại cũng như chất lượng khó kiểm soát thì việc lựa chọn lại càng trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi khuyên bạn nên tìm hiểu thông tin qua các kênh sau:

-          Internet: Chủ động tìm hiểu sơ lược về thiết bị nuôi Yến trên internet trước khi đi mua (có bao nhiêu loại, những nhãn hiệu nào,…vv). Bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của Google. Chỉ cần một cụm từ đơn giản  thiết bị nuôi Yến là bạn đã có khoảng gần 400.000 kết quả trong vòng chưa đầy 1 giây. Rất đơn giản và thuận tiện đúng không? Hãy chọn những công ty chuyên cung cấp thiết bị nuôi Yến chuyên nghiệp, những công ty có chuyên môn, kỹ thuật sẽ không chỉ cung cấp thiết bị tốt cho bạn mà còn am hiểu và có KINH NGHIỆM về kỹ thuật áp dụng, sửa chữa thiết bị. Hãy hỏi họ bất cứ những gì bạn còn chưa rõ về thiết bị, chắc chắn bạn sẽ được tư vấn cặn kẽ. Nếu bạn chọn mua hàng ở những công ty thương mại đơn thuần, họ cũng có thể cung cấp cho bạn những thiết bị nuôi Yến tốt tuy nhiên chắc chắn một điều rằng, họ không thể hỗ trợ kỹ thuật cặn kẽ cho bạn được, vì họ không có kinh nghiệm thực tế. Hãy là những người mua hàng thông minh bạn nhé.

-          Truyền thống: Bạn có thể tham khảo địa chỉ mua thiết bị nuôi Yến qua bạn bè, người quen, những người nuôi Yến thành công lâu năm. Đây cũng là một kênh có thể tin cậy được tuy nhiên bạn lại ở thế bị động và khó đưa ra quyết định trong việc chọn lựa mua thiết bị do có quá nhiều luồng thông tin khác nhau.
Tóm lại, để có những loại thiết bị nuôi Yến tốt, bạn cần đầu tư, chủ động tiếp cận thông tin và sáng suốt phân tích chúng.

Câu hỏi 19: Hơi nước từ máy phun sương có làm thanh gỗ làm tổ chim Yến bị ẩm mốc?
Máy phun sương là thiết bị tạo độ ẩm cần thiết (75-90%) cho nhà Yến. Máy phun sương được thiết kế tạo ẩm bằng sóng siêu âm và sử dụng phương pháp li tâm để đánh hạt nước nhuyễn, mịn nhằm giúp độ ẩm lan tỏa đồng đều nhất có thể.
Nếu nói máy phun sương hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới việc thanh gỗ làm tổ chim Yến bị ẩm mốc thì không đúng vì máy này vốn là để phun hơi nước dạng sương ra ngoài không khí, diện tích khoảng từ 50-60m2/1 máy đương nhiên không tránh khỏi hơi nước bám vào thanh gỗ. Tuy nhiên, hạt nước được đánh nhuyễn mịn, nếu có bám vào thanh gỗ cũng nhanh chóng bốc hơi chứ không đọng lại lâu tạo ẩm mốc được.
Mặc dù vậy, trong trường hợp độ ẩm trong môi trường tự nhiên đang ở mức quá cao mà nhà yến sử dụng máy phun sương gà thì có thể dẫn đến nấm mốc do độ ẩm vượt mức cho phép.

Chính vì vậy, khi sử dụng máy phun sương gà này, chúng ta phải lắp đặt thêm hệ thống kiểm soát độ ẩm để kịp thời nhận biết và xử lý khi nhà yến có mức độ ẩm quá cao. 

Xem lại "188 LÝ DO DẪN ĐẾN NHÀ NUÔI CHIM YẾN THẤT BẠI-PHẦN 1- CHƯƠNG 2-2.2
Mới hơn
« Prev Post
Mới hơn
Mới hơn »