188 LÝ DO DẪN ĐẾN NHÀ NUÔI CHIM YẾN THẤT BẠI- PHẦN 2- CHƯƠNG 8-8.1 và 8.2


CHƯƠNG VIII: LẮP ĐẶT THANH LÀM TỔ

8.1.  Tầm quan trọng của thanh làm tổ
Một trong những yếu tố quan trọng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thành công của một nhà Yến đó là thanh làm tổ. Đây được coi như “nền móng” vững chắc để giúp chim xây tổ định cư, là nơi “vàng trắng” được sinh ra, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tổ yến.

Như chúng ta đã biết, môi trường bên trong nhà yến có độ ẩm rất cao, ánh sáng yếu, rất thích hợp cho nấm mốc sinh sôi phát triển, đặc biệt trên các thanh làm tổ. Khi nhà yến rơi vào tình trạng nấm mốc, chúng ta sẽ rất khó để loại bỏ chúng khiến chim yến không thể cư trú vì nấm mốc thường có dạng như bột và trơn khiến tổ bị rớt vì nước bọt của chim Yến không thể dính chặt lên đó đồng thời nấm mốc có mùi hôi khó chịu. Đây là nguyên nhân thất bại của không ít nhà yến tại Malaysia cũng như Việt Nam.

Chính vì thế, khi lựa chọn gỗ cho thanh làm tổ, yếu tố chất lượng và độ bền luôn là ưu tiên hàng đầu. Một thanh làm tổ cho chim Yến cần đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
- Khô (độ ẩm chỉ khoảng 8-12%), khả năng chịu ẩm cao.
-Mùi hương nhẹ tự nhiên
- Độ bền cao,
- Không lẫn tạp chất,
- Không quá cứng,
- Bề mặt láng nên tạo rãnh để chim dễ bám dễ làm tổ.
8.2.   Nguyên liệu làm thanh làm tổ
Hiện nay nguyên liệu làm thanh làm tổ cho chim Yến khá đa dạng. Các loại gỗ thường dùng để làm thanh làm tổ như: Bạch Tùng, Meranti (Malaysia), Chò Chỉ, Dừa, Lam Xi Măng, ...Ngoài ra còn phải kể đến một số nguyên liệu khác cũng được một số nhà đầu tư sử dụng như:plastic (nhưa), đá,...Tuy nhiên, không phải nguyên liệu nào khi áp dụng vào nhà Yến cũng mang lại hiệu quả tốt. Một số nguyên liệu được đưa vào lắp đặt, đến khi nhà Yến đi vào hoạt động khiến chim Yến không thể bám vào làm tổ hoặc có thể làm tổ nhưng chất lượng tổ không được đảm bảo đúng tiêu chuẩn, gây khó khăn đầu ra cho người nuôi. Chính vì thế các chủ nhà yến cần hiểu rõ về đặc tính của từng loại nguyên liệu để chọn lựa cho đúng trước khi bắt tay vào xây dựng nhà yến.
Chúng tôi tạm thời chia nguyên liệu làm thanh làm tổ cho chim Yến thành hai nhóm: Nguyên liệu nhóm gỗ  Nhóm nguyên liệu khác.
8.2.1.  Nguyên liệu nhóm gỗ
a, Gỗ Meranti: Đây là loại gỗ không có ở Việt Nam mà phải nhập từ Malaysia. Meranti được chia thành rất nhiều loại, tuy nhiên Meranti đỏ và Meranti đỏ sậm là hai loại được ưa chuộng hơn cả. Loại gỗ này được khá nhiều nhà đầu tư tin cậy sử dụng cho căn nhà Yến của mình.
- Ưu điểm: Thớ gỗ dày, xếp khít nhau, khả năng chống được mối mọt cao giúp bạn có thể khai thác tổ Yến nhiều lần mà không làm hư hại gỗ. Hương gỗ tự nhiên. Dễ dàng lắp đặt. Trước khi đưa vào sử dụng, gỗ được xử lý đạt chất lượng phù hợp với môi trường trong nhà nuôi Yến. Meranti được sấy ở nhiệt độ 300 độ C trong khoảng từ 7 đến 10 ngày, độ ẩm trong gỗ chỉ khoảng 10-12%. Ngoài ra, gỗ còn đươc tiệt trùng để loại trừ khả năng vi khuẩn có hại và côn trùng sinh sôi.
- Nhược điểm: Giá thành khá cao (25-30 triệu VND/m3) do gỗ nhập khẩu nên phải chịu nhiều loại phí, thuế. Vì là gỗ nhập nên khó khăn trong việc chủ động nguồn gỗ đảm bảo chất lượng. Có thể bị nấm mốc nếu độ ẩm nhà Yến vượt quá mức cho phép.
b, Gỗ Bạch Tùng: 
Là loại gỗ do Việt Nam sản xuất. Bạch Tùng hay còn gọi là Thông Nàng ( thông 3 lá) được phân bố ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam.

go-bach-tung
Gỗ Bạch Tùng

- Ưu điểm: Là loại gỗ nội địa nên chủ động được nguồn cung hơn các loại gỗ ngoại nhập. Gỗ mềm, nhẹ, hương dịu nhẹ tự nhiên. Gỗ Bạch Tùng sấy có độ cứng cao, không co ngót, cong vênh, thớ gỗ dày, có khả năng chống ẩm rất tốt nên giá trị sử dụng cao, là loại gỗ được loài chim Yến yêu thích. Giá thành phù hợp (16- 18 triệu VNĐ/m3, thời điểm 2017, dự đoán sẽ tăng giá liên tục do nguồn gỗ khai thác sẽ giảm). Trước khi đưa vào sử dụng, gỗ đã qua xử lý không mùi, không nhựa cây, sấy khô đạt độ ẩm 10-12%. Gỗ đã loại trừ vi khuẩn và chống mối mọt sinh sôi.
- Nhược điểm: Có thể bị ẩm mốc nếu độ ẩm nhà Yến vượt quá mức cho phép.
c, Gỗ Chò Chỉ: 
Là loại gỗ hiếm phân bố nhiều ở khu vực rừng phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ của nước ta. Chò Chỉ được liệt vào loại gỗ cần được trồng và bảo vệ trong sách đỏ Việt Nam.
Ưu điểm: Thớ thẳng, mịn, trọng lượng nặng, có độ bền cao kể cả trong môi trường nước và dưới đất. Ít bị nấm mốc.
 Nhược điểm: Giá thành cao. Do là loại gỗ hiếm nên khó khăn trong việc chủ động nguồn cung so với nhu cầu xây dựng nhà Yến lớn như hiện nay.
d, Gỗ Dừa: 
Là lại gỗ của thân cây dừa lâu năm, phân bố chủ yếu ở khu vực phía Nam , Trung Bộ và Nam Trung Bộ- nơi mà lượng chim Yến tập trung sinh sống là chủ yếu.
Ưu điểm: Nhẹ, dễ lắp đặt, giá thành rẻ, chủ động được nguồn cung do là loại cây khá phổ biến.
 Nhược điểm: Độ bền rất kém, dễ nấm mốc và mục nát.

8.2.2. Nhóm nguyên liệu khác:
e, Bê tông: 
Được tạo ra từ hỗn hợp đá, nước, cát, xi măng,..
Ưu điểm: Giá thành rẻ, bề mặt nhám, chim dễ bán vào làm tổ. Chủ động được nguồn cung do các nguyên liệu chế tạo đều phổ biến: đá, cát, xi măng,...v.v.
Nhược điểm: Khối lượng nặng, khó lắp đặt, lẫn nhiều tạp chất. Khi chim Yến bay về tổ thường đập cánh chạm vào các thanh làm tổ làm một lượng cát, bụi ở thanh bê tông rơi rớt vào trong tổ Yến khiến tổ Yến lẫn nhiều tạp chất, chất lượng không đảm bảo. Ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng tổ yến???
- Nuôi yến Tầm Cao Việt nói không với thanh tổ làm từ bê tông – xi măng.
Ở Việt Nam có 1 công ty khá nổi tiếng chuyên chuyển giao kỹ thuật bằng lam xi măng, các bạn nên cẩn thận nhé. Tôi không tiện nói tên nhưng các bạn chỉ cần hỏi vài người trong nghề yến sẽ rõ.
f, Plastic: 
Là các thanh nhựa, bề mặt được xẻ rãnh tạo khe cho chim bám vào làm tổ.
Ưu điểm: Dễ tao tác lắp đặt, không phải chế tác nhiều. Cho ra tổ đẹp.
- Nhược điểm: Bề mặt mặc dù có tạo rãnh, tuy nhiên độ trơn của nhựa vẫn làm tổ chim không thể bám lại, thường bị rớt tổ. Nhà yến làm bằng thanh nhựa cần duy trì ẩm ổn định liên tục trên 80%.
g, Đá: 
Đá tự nhiên hoặc bê tông bọc bột đá bên ngoài.
-               Ưu điểm: Độ bền cao với thời gian, không nấm mốc, mối mọt hay mục nát.
-        Nhược điểm: Nặng,cứng, khó vận chuyển và lắp đặt, tốc độ tăng trưởng đàn Yến chậm khi lắp đặt thanh làm tổ bằng lam đá.
Dựa vào đặc tính riêng của từng loại nguyên liệu trên có thể thấy, Bạch Tùng là nguyên liệu số một đáp ứng được tiêu chuẩn để làm thanh làm tổ cho chim Yến cả về chất lượng lẫn giá thành. Đây cũng là nguyên liệu mà chim Yến thích nhất, vì vậy các nhà Yến lắp đặt thanh làm tổ bằng Bạch Tùng thường cho số lượng chim và sản lượng tổ vượt trội.
Vậy khi chọn thanh làm tổ bằng gỗ Bạch Tùng cho nhà nuôi chim Yến các chủ nhà Yến cần chú ý gì? và quy cách tạo thanh làm tổ bằng gỗ Bạch Tùng ra sao?
Khi đưa các thanh gỗ lắp đặt vào nhà Yến các bạn cần lưu ý:
+ Gỗ đã qua xử lý không mùi nồng, không nhựa cây, phải sấy khô đạt độ ẩm 8-12%.
+ Đặc biệt gỗ không bị mốc. Tránh trường hợp gỗ sấy chưa khô khi đưa nhà nuôi Yến vào hoạt động các thanh làm tổ bị mốc khiến chim Yến sẽ không làm tổ và bỏ đi.
+ Quy cách tạo thanh làm tổ bằng gỗ Bạch Tùng : độ dày 2cm x Cao 15cm x Dài 2m đến 3m, đã bào láng và tạo rãnh. Lưu ý đến độ dày của gỗ vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ thuật khi lắp đặt.
Chú ý: Bảo quản thanh gỗ Bạch Tùng ở những nơi khô thoáng để tránh tình trạng nấm mốc.

Mới hơn
« Prev Post
Mới hơn
Mới hơn »